6 bước quan trọng cần làm để xác định mục tiêu sự nghiệp

06 Tháng 07, 2023 Tác giả: admin

Những con tàu đều cần có la bàn để định hướng đúng hướng đi trên biển, đồng thời còn giúp đo khoảng cách và tìm đường đi ngắn nhất tới đích. Tương tự, trong sự nghiệp, khi bạn có một mục tiêu rõ ràng cũng giống như bạn có một chiếc “la bàn” để giúp bạn làm việc có định hướng và đo lường quá trình tiến triển của mình. Còn nếu như bạn không biết hướng đi của mình, không đo lường được khoảng cách mình đã đi được và cũng không biết cách tìm đường đi ngắn nhất tới đích. Việc này sẽ khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi và thiếu động lực, như con thuyền lạc giữa biển khơi vậy.

Áp dụng 6 bước sau đây để xác định mục tiêu một cách bài bản nhé, thực hiện đúng cách không chỉ biết bạn cần làm gì, mà còn giúp bạn khơi dậy cảm hứng, nghị lực và đam mê, thậm chí có thể giải tỏa stress rất hiệu quả:

1. Xác định giá trị quan trọng của bản thân

Hãy đưa ra danh sách các giá trị mà bạn coi là quan trọng trong cuộc sống của mình. Điều này sẽ giúp bạn định hướng cho các quyết định và lựa chọn trong tương lai. Đặt câu hỏi để hiểu rõ những gì bạn muốn và điều quan trọng với bạn.

Các câu hỏi như:

  • Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi nào?
  • Tôi muốn đóng góp vào xã hội như thế nào?
  • Giá trị quan trọng nhất của tôi là gì?
  • Tôi muốn được nhìn thấy bản thân mình như thế nào trong tương lai?

dụ:

  • Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi ở gia đình. Tôi cũng hạnh phúc khi có thể giúp đỡ mọi người. Tôi cũng hạnh phúc khi được khách hàng tri ân bằng những món quà và tiền bạc.
  • Tôi muốn đóng góp vào xã hội bằng kiến thức chuyên môn và mong muốn hỗ trợ mọi người. Tôi muốn đóng góp cho xã hội bằng việc nghiên cứu nhiều kiến thức và chỉ cho mọi người biết đâu là mê muội, mê tín.
  • Giá trị quan trọng của tôi là khả năng học tập, nghiên cứu tâm lý và một số lĩnh vực khác liên quan đến sự phát triển con người.
  • Tôi muốn được nhìn thấy bản thân là người có tri thức và có thể chuyển hóa tri thức thành các giá trị vật chất để chăm lo cho những người xung quanh.

Sau khi trả lời được những câu hỏi đó, dĩ nhiên là chi tiết hơn những ví dụ đang trình bày minh họa ở trên để chúng ta có thể dễ dàng thực hiện hóa các mục tiêu. Với ví dụ trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy rằng: Với họ xây dựng kinh tế cho gia đình là điều quan trọng, nhờ có nó họ có thể làm những điều quan trọng khác, như chăm lo cho bố mẹ, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Nhưng điều quan trọng khác nữa là họ muốn làm những điều tốt đẹp cho xã hội. Tốt đẹp ở đây là giúp mọi người có được tâm lý lành mạnh, hạnh phúc, hiểu được những điều đúng đắn. Họ sẽ cố gắng lựa chọn một công việc vừa có thể thu nhập tốt vừa có thể chia sẻ cho mọi người.

Lưu ý rằng bạn cần phải tìm cách tự vấn mình thật sâu sắc, chạm vào những mong muốn thầm kín của chính mình, như vậy bạn mới có thể tìm ra được mình thực sự muốn gì. Bởi tính cách con người có nhiều mặt, có những mặt bị đè nén, áp chế, bản thân bạn có thể chưa sẵn sàng nhìn vào đó. Để tăng tính chính xác cho bước này, bạn nên tham khảo thêm một số công cụ phân tích tâm lý, cách tốt nhất là gặp một số chuyên gia tâm lý hướng nghiệp.

2. Đặt mục tiêu

Hãy tưởng tượng một tương lai mà bạn muốn và đặt ra các mục tiêu lớn để đạt được điều đó. Đây là cơ hội để bạn mơ tưởng và đặt mục tiêu cho một tương lai tốt đẹp hơn.

Xác định mục tiêu ngắn hạn và dài hạn: Đặt ra những mục tiêu cụ thể và rõ ràng cho sự nghiệp của mình, bao gồm mục tiêu ngắn hạn (thường là trong vòng 1 năm) và dài hạn (từ 3 đến 5 năm hoặc lâu hơn).

Ví dụ:

  • Tôi muốn doanh nghiệp của mình trở thành một trung tâm tư vấn có thể giúp đỡ hầu hết các bạn trẻ ở Việt Nam, nhờ đó góp phần giúp xã hội phát triển bền vững và văn minh. Tôi cũng có mong muốn tài chính ổn định, không cần giàu nhưng vẫn đủ để chăm sóc gia đình, thậm chí cần cố gắng có thêm một căn nhà nhỏ để về già có thể cho thuê lấy tiền đi viện dưỡng lão.
  • Tôi muốn hoàn thiện bằng thạc sĩ trong 3 năm tới. Hoàn thành tiến sĩ trong 10 năm tới và đạt được các mục tiêu trong tầm nhìn 5 năm của doanh nghiệp. Có mức lương cao trong vòng 1 năm tới, lương rất cao trong vòng 5 năm tới.
  • Tuy nhiên dựa trên tình hình thực tế thì tôi sẽ phấn đấu tối thiểu phải đạt đến tầm xx tr/tháng.

3. Phân tích và đánh giá các lựa chọn sự nghiệp

Nghiên cứu về những ngành nghề, vị trí công việc và các lĩnh vực mà bạn có thể quan tâm, phân tích những điểm lợi hại của từng lựa chọn.

Ví dụ: Dựa trên các sở thích của mình, tôi nghĩ mình có thể làm một nhà tư vấn tâm lý, nghề này phù hợp với mong muốn nhưng 90% các đồng nghiệp là không kiếm được nhiều tiền… Tôi cũng có thể làm KOL, tiktoker, youtuber về lĩnh vực chuyên môn, nhưng tôi chưa có kinh nghiệm làm video và cũng phải cạnh tranh lớn…Cuối cùng tôi chọn làm nhà tư vấn tâm lý, vì thấy khả thi hơn với nghề kia.

4. Thiết lập kế hoạch

Thiết lập một kế hoạch hành động cụ thể để đạt được mục tiêu của mình, bao gồm các bước nhỏ để đạt được mục tiêu ngắn hạn và dài hạn.

Ví dụ:

  • Tôi học các khóa học tham vấn tâm lý, đăng ký học đại học… tìm hiểu các tài liệu về tâm lý học, tham gia các hội nhóm liên quan, tự viết các bài nghiên cứu… tự áp dụng kiến thức với bản thân để giúp mình có được tâm lý lành mạnh, sau khi có kiến thức bài bản, tìm cách tư vấn cho người khác để lấy kinh nghiệm.
  • Nếu tôi đang đi làm ở ngành khác thì tôi cần tìm cách làm tốt công việc hiện tại để có tài chính theo đuổi các chương trình học… tìm cách liên kết kiến thức tâm lý học với công việc để có thể tăng cảm hứng làm việc. Tôi phải gặp khách hàng để tìm hiểu tâm lý hành vi hiểu khách hàng hơn, hoặc tôi là lập trình viên thì tôi tìm cách tham gia các dự án liên quan đến chủ đề tâm lý học…

Tóm lại sau khi bạn đã xác định các mục tiêu lớn, hãy tạo ra các hành động cụ thể mà bạn có thể thực hiện để đạt được mục tiêu đó. Các hành động cụ thể này có thể bao gồm việc tìm kiếm thông tin, kết nối với những người có kinh nghiệm hoặc học một kỹ năng mới.

5. Thử nghiệm và đánh giá, thay đổi kế hoạch

Cuộc sống không phải là một hành trình chỉ với những “đường thẳng”. Trong quá trình thực hiện các mục tiêu của mình, bạn có thể phát hiện ra rằng một số hành động không phù hợp hoặc một số mục tiêu không còn phù hợp với mục tiêu lớn của bạn. Hãy dành thời gian để đánh giá và điều chỉnh các kế hoạch của mình để đạt được mục tiêu lớn hơn.

Ví dụ: Tôi thử làm một kênh youtube, tôi học viết conntent, kỹ thuật chỉnh video, sau một thời gian tôi nhận thấy mình không có đủ thời gian bởi phải đi làm kiếm tiền lo cho cuộc sống, cuối cùng tôi chuyển sang nền tảng khác, như tiktok. Sau đó tôi nhận thấy sản xuất video ngắn phù hợp hơn, trước mắt thu được thành quả nhất định, và tôi quyết định tập trung nguồn lực cho hướng này. Nhưng sau một thời gian tôi lại nhận thấy giá trị của kênh tiktok đang làm không tương xứng với thời gian, công sức tôi bỏ ra. Đơn giản là tôi lại tập trung cho công việc, để kiếm tiền phục vụ cho quá trình học, mà không còn nghĩ đến những việc khác nữa.

6. Giữ định hướng

Hãy giữ định hướng nhưng sẵn sàng thay đổi khi cần thiết. Tìm kiếm các người đồng hành hoặc mentor để cung cấp hướng dẫn và hỗ trợ cho bạn trong quá trình thực hiện mục tiêu sự nghiệp của mình. Học hỏi và đọc sách để nâng cao kiến thức và kỹ năng của bạn.

Ví dụ:

  • Sau một thời gian làm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, tôi thấy một người bạn đang làm việc tư vấn hướng nghiệp. Tôi nhận thấy rằng mình có thể tư vấn cho các bạn trẻ trong lĩnh vực chuyên môn của tôi, chứ không nhất thiết phải học hành quá mất thời gian để tư vấn cho tất cả các bạn trẻ trong mọi lĩnh vực. Thay vì là chuyên gia tâm lý, tôi nghĩ mình có thể trở thành chuyên gia tư vấn hướng nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Tôi vẫn giữ mục tiêu của mình nhưng thay đổi cách thực hiện để đạt hiệu quả hơn.
  • Tôi tham khảo những anh chị có kinh nghiệm đi trước và tôi nhận thấy những điều này là khả thi, và phù hợp. Việc giao lưu, trao đổi kiến thức giúp tôi nâng cao định hướng và duy trì mong muốn, giữ định hướng theo đuổi những mục tiêu của mình.
  • Và để chuẩn bị cho hướng đi mới này, tôi lại đưa ra danh sách các giá trị mà tôi coi là quan trọng trong cuộc sống của mình. Điều này sẽ giúp tôi định hướng cho các quyết định và lựa chọn trong tương lai. Tôi tự đặt các câu hỏi như:
  • Tôi cảm thấy hạnh phúc nhất khi nào?
  • Tôi muốn đóng góp vào xã hội như thế nào?
  • Giá trị quan trọng nhất của tôi là gì?
  • Tôi muốn được nhìn thấy bản thân mình như thế nào trong tương lai?

Chúng ta nên lặp lại từ những bước đầu tiên khi có những thay đổi, vì chúng ta không thể chắc chắn rằng mình sẽ luôn đúng. Chúng ta cần sẵn sàng thay đổi khi cần thiết nhưng phải hiểu rõ và giữ vững những giá trị của bản thân mình. Việc hiểu và khám phá bản thân là một quá trình liên tục, không bao giờ kết thúc và có thể giúp con người trưởng thành và phát triển trong cuộc sống. Biết mình là ai, mình muốn gì và điều gì mang lại hạnh phúc cho bạn.

Những chia sẻ này được thực hiện với mục đích mong bạn sớm tìm được “la bàn tốt cho sự nghiệp của mình.